Viêm nướu
Đây là bệnh lý miệng phổ biến nhất ở phụ nữ mang thai (60 – 75%). Viêm nướu có thể bắt đầu từ tháng thứ 2 của thai kỳ và có khuynh hướng cao nhất vào tháng thứ 8, với biểu hiện là nướu sưng nề, đỏ, dễ chảy máu đặc biệt là khi đụng chạm như đánh răng.
Nguyên nhân do sự tăng cao của hormon progesteron và estrogen trong thai kỳ làm thay đổi hệ vi khuẩn trong môi trường miệng.
Để phòng tránh viêm nướu nên giữ gìn vệ sinh răng miệng thật tốt với việc đánh răng sau khi ăn và nhất là trước khi đi ngủ, có thể kết hợp sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẻ răng. Nếu bị viêm nướu, nên đến nha sĩ để được cạo vôi răng hướng dẫn sử dụng nước súc miệng có chứa chlorhexidine.
Viêm nha chu
Viêm nha chu là tình trạng nặng hơn của viêm nướu, có sự phá hủy các cấu trúc nâng đỡ xung quanh răng, dẫn đến răng lung lay và cuối cùng là mất răng.
Ngoài ra, các hóa chất trung gian được tiết ra trong quá trình viêm nha chu có thể ảnh hưởng đến bào thai, do sự hạn chế dòng máu đến nhau thai.
Để phòng ngừa viêm nha chu cần vệ sinh răng miệng đúng cách, khám răng định kỳ 6 tháng một lần, đồng thời nếu bị viêm nướu cần điều trị sớm không để tiến triển sang viêm nha chu. Và khi đã bị viêm nha chu cần đến bác sĩ răng hàm mặt để được điều trị chuyên khoa.
U nhú thai nghén
Có tỉ lệ 2 – 10%, đây không thật sự là một khối u và không có tính chất ung thư. U nhú thai nghén thường phát triển ở 3 tháng giữa thai kỳ. Đó là một u màu đỏ thường ở nướu răng, tuy nhiên cũng có thể ở một vị trí khác trong miệng, có thể dễ bị chảy máu hoặc bị loét.
U nhú thai nghén thông thường sẽ giảm dần và mất hẳn sau khi sinh mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu u cản trở ăn nhai, dễ chảy máu, hoặc không biến mất sau khi sinh cần đến bác sĩ để được cắt bỏ u.
Sâu răng
1/4 số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có sâu răng. Sâu răng là sự kết hợp giữa chế độ ăn nhiều đường và các vi khuẩn trong miệng làm phá hủy men răng. Khởi phát sâu răng là một đốm trắng, tiến triển dần thành lỗ sâu màu nâu. Nếu không điều trị sâu răng có thể dẫn đến áp-xe chân răng, nặng hơn là viêm mô tế bào ở mặt.
Để hạn chế sâu răng nên đánh răng 2 lần mỗi ngày với kem đánh răng chứa fluor và hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường. Nên khám răng miệng định kỳ 6 tháng một lần để được phát hiện và trám sớm những răng bị sâu.
Mòn răng
Với những phụ nữ mang thai thường nôn ói, men răng có thể bị ăn mòn do lượng axit từ dịch trong dạ dày tiết ra có thể phá hủy men răng. Để bảo vệ răng khỏi tác động này không nên đánh răng ngay sau khi nôn ói, đồng thời trước khi đánh răng nên súc miệng bằng dung dịch soda pha loãng và sử dụng kem đánh răng chứa fluor.
Khô miệng
Nhiều phụ nữ mang thai bị chứng khô miệng. Nguyên nhân có thể do sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ. Để khắc phục tình trạng này nên uống nhiều nước, sử dụng kẹo cao su không đường để kích thích sự tiết nước bọt.
Tăng tiết nước bọt
Một số ít phụ nữ mang thai có triệu chứng tăng tiết nước bọt, xuất hiện ở ba tháng đầu thai kỳ, đây thường chỉ là một triệu chứng kèm theo khi buồn nôn.